
Lịch sử cờ vua (Bản tiếng Việt)
Cờ vua hay Quốc tế Tượng kỳ (tiếng Anh: chess, tiếng Trung: 国际象棋), đôi khi còn được gọi là cờ quốc tế để phân biệt với các biến thể như cờ tướng, là một trò chơi board game dành cho hai người.[1] Sau thời gian phát triển từ các trò chơi cổ tương tự có nguồn gốc từ Ấn Độ và Ba Tư, hình thức chơi hiện tại của cờ vua bắt đầu xuất hiện ở Nam Âu ở nửa sau của thế kỷ 15. Ngày nay, cờ vua là một trong những trò chơi phổ biến nhất thế giới, được hàng triệu người trên toàn thế giới chơi tại nhà, ở câu lạc bộ, trên trực tuyến, qua thư từ, và trong các giải đấu. Cờ vua được yêu thích ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nga.[2]
Trò chơi sử dụng một bàn cờ hình vuông chia thành 64 ô vuông nhỏ hơn với 8 hàng ngang và 8 hàng dọc. Mỗi người chơi sẽ bắt đầu với 16 quân cờ, bao gồm 8 tốt (chốt), 2 mã, 2 tượng, 2 xe, 1 hậu và 1 vua.[3] Mục tiêu của người chơi là cố gắng chiếu hết vua đối phương. Vua được gọi bị "chiếu hết" khi đang bị chiếu mà không có cách nào thoát ra. Khi một người chơi bị chiếu hết, trò chơi kết thúc hay nói cách khác người chơi đó đã thua.[4] Cũng có một số trường hợp mà trò chơi có thể kết thúc với tỷ số hòa. Trong suốt ván cờ, hai người chơi thay phiên nhau di chuyển một quân cờ của mình đến một vị trí khác trên bàn cờ. Một người chơi sẽ cầm quân cờ màu trắng và người còn lại sẽ cầm quân cờ đen. Có các quy tắc nhất định về việc di chuyển các quân cờ cũng như việc ăn quân của đối thủ. Người chơi cầm quân cờ trắng sẽ đi trước. Do đó, người chơi cầm quân trắng thường sẽ có một lợi thế nhỏ và có tỷ lệ thắng cao hơn.[5]
Cờ vua với hình thức có tổ chức xuất hiện vào thế kỷ 19. Ngày nay, việc thi đấu cờ vua quốc tế được quản lý bởi FIDE (Liên đoàn Cờ vua quốc tế). Năm 1886, Wilhelm Steinitz trở thành Nhà vô địch Cờ vua Thế giới đầu tiên được công nhận trên toàn thế giới; và đến nay, đương kim vô địch thế giới là Đinh Lập Nhân. Một phần lớn lý thuyết cờ vua đã được phát triển từ khi trò chơi ra đời. Nhiều khía cạnh nghệ thuật được tìm thấy trong bố cục cờ vua; cờ vua đã ảnh hưởng đến văn hóa và nghệ thuật phương Tây, cũng như có mối liên hệ với các lĩnh vực khác như toán học, khoa học máy tính và tâm lý học.
Ban đầu, một trong những mục tiêu của các nhà khoa học máy tính là tạo ra một cỗ máy chơi cờ. Năm 1997, sau khi đánh bại Garry Kasparov trong một trận đấu, Deep Blue trở thành máy tính đầu tiên đánh bại nhà đương kim vô địch thế giới. Mặc dù không hoàn hảo, nhưng các công cụ cờ vua ngày nay mạnh hơn đáng kể so với ngay cả những kỳ thủ giỏi nhất, và đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của lý thuyết cờ vua.
Giới thiệu
[sửa | sửa mã nguồn]
Cờ vua không phải là một trò chơi may rủi, nó dựa thuần túy vào chiến thuật và chiến lược. Tuy thế, trò chơi này phức tạp đến mức thậm chí cả những người chơi hay nhất cũng không thể tính hết tất cả mọi phương án: mặc dù chỉ có 64 ô và 32 quân cờ trên bàn cờ nhưng số lượng nước đi có thể được thì còn vượt xa cả số lượng các nguyên tử có trong vũ trụ.[6]
Cờ vua là một trong những trò chơi trí tuệ phổ biến nhất thế giới; nó được nói đến không chỉ như là một trò chơi mà còn là nghệ thuật, khoa học và thể thao. Cờ vua đôi khi được nhìn nhận như là trò chơi chiến tranh trừu tượng; cũng như là "các cuộc đấu trí tuệ", và việc chơi cờ vua được coi như là một cách để rèn luyện tư duy và bản lĩnh. Cờ vua được chơi để tiêu khiển cũng như để thi đấu trong các câu lạc bộ cờ vua, các giải đấu, chơi trực tuyến và chơi theo cách gửi thư. Rất nhiều biến thể và các trò chơi tương tự như cờ vua được chơi trên toàn thế giới. Trong số đó phổ biến nhất theo trật tự giảm dần về số người chơi là cờ tướng (ở Trung Quốc, Việt Nam), shōgi (ở Nhật Bản), janggi (ở Triều Tiên) và makruk (ở Thái Lan).
Lịch sử:
Các tài liệu sớm nhất đề cập đến nguồn gốc của cờ vua có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 7: ba bản được viết bằng tiếng Pahlavi (tiếng Ba Tư trung đại)[7] và một bản bằng tiếng Phạn là Harshacharita.[8] Trong những văn bản này, Chatrang-namak là đại diện cho một trong những tài liệu viết về cờ vua sớm nhất. Bozorgmehr giải thích rằng Chatrang, từ Pahlavi để chỉ cờ vua, đã được du nhập vào Ba Tư bởi 'Dewasarm, một nhà cai trị vĩ đại của Ấn Độ' dưới thời trị vì của Khosrau I.[9] Đến thế kỷ 20, đã có một sự đồng thuận lớn từ các nhà sử học[10][11] rằng cờ vua lần đầu tiên được chơi ở miền bắc Ấn Độ trong thời Đế chế Gupta vào thế kỷ thứ 7.[12][13] Gần đây, sự đồng thuận này đã trở thành một chủ đề được xem xét kỹ lưỡng hơn.[14]
Hình thức cờ vua ban đầu ở Ấn Độ có tên là chaturaṅga (tiếng Phạn: चतुरङ्ग), một từ tiếng Phạn để chỉ quân đội. Các quân cờ Gupta được chia giống như quân đội của họ thành bộ binh, kỵ binh, voi và chiến xa. Theo thời gian, những quân cờ này trở thành quân tốt, tượng, mã và xe. Chaturanga được chơi trên một bảng 8 × 8 không được đánh dấu, được gọi là ashtāpada.[15] Trò chơi lan rộng theo hướng đông và tây dọc theo con đường Tơ lụa. Bằng chứng sớm nhất về cờ vua được tìm thấy ở Sasanian Persia gần đó vào khoảng năm 600 sau Công nguyên, và được biết đến với cái tên chatrang. Chatrang được đưa vào thế giới Hồi giáo sau cuộc chinh phục Ba Tư của người Hồi giáo (633–51), và được đặt tên là shatranj. Trong tiếng Tây Ban Nha, "shatranj" được viết dưới dạng ajedrez ("al-shatranj"), trong tiếng Bồ Đào Nha là xadrez và trong tiếng Hy Lạp là ζατρίκιον (zatrikion, xuất phát trực tiếp từ chatrang trong tiếng Ba Tư),[16] nhưng ở phần còn lại của châu Âu, nó được thay thế bởi các phiên bản của shāh trong tiếng Ba Tư ("vua").[17]
Có một thuyết cho rằng việc thay đổi tên diễn ra bởi vì trước khi cờ vua tới châu Âu thì các nhà buôn đã tới châu Âu và mang theo các quân vua được trang trí như là các đồ vật hiếm và cùng với chúng là tên gọi shāh, tên gọi này đã bị người châu Âu phát âm sai theo nhiều cách khác nhau.
Chiếu hết: Trong tiếng Anh là checkmate là từ dịch ra của cụm từ shāh māt, trong tiếng Ba Tư có nghĩa là "vua hết đường". Trong tiếng Ả Rập nó có nghĩa là "shāh bị chết", nhưng shāh không phải là một từ Ả Rập thông dụng để chỉ "vua" (ngoại trừ đôi khi trong cờ vua).
Xe: Trong tiếng Anh là rook. Nó có được thông qua tiếng Ả Rập từ chữ rukh trong tiếng Ba Tư, có nghĩa là "xe ngựa kéo", nhưng cũng có nghĩa là "má" (một phần của mặt) và còn có nghĩa là một con chim huyền thoại với sức mạnh gọi là roc.
Tượng: Trong tiếng Anh là bishop. Tiếng Ả Rập al-fīl (từ tiếng Ba Tư pīl) có nghĩa là "voi", nhưng ở châu Âu và phần phía tây của thế giới Hồi giáo khi đó người ta biết rất ít hoặc không biết gì về voi và tên gọi của quân cờ đến với Tây Âu theo dạng Latinh alfinus và tương tự, một từ không có nghĩa gì (trong tiếng Tây Ban Nha, nó tiến hóa thành tên gọi alfil). Tên gọi bishop của người Anh là một sự đổi tên được sáng tạo ra theo hình dáng quy ước của nó là chiếc mũ mitra của giám mục nhà thờ. Tuy thế, tại Nga thì tên gọi của quân cờ này là slon = "voi".
Hậu: Trong tiếng Anh là queen. Tiếng Ba Tư farzīn = vizia - quan chức cao cấp trong thế giới Hồi giáo cổ, tương tự như tể tướng đã trở thành tiếng Ả Rập firzān, nó đến châu Âu trong các dạng như alfferza, fers v.v. nhưng sau đó được thay thế thành "hậu".
Cờ vua đến Nga theo đường Mông Cổ mà tại đó người ta chơi cờ vua từ đầu thế kỷ VII. Nó đã được người Moor đưa vào Tây Ban Nha trong thế kỷ X, và đã được miêu tả trong bản viết tay nổi tiếng thế kỷ XIII về cờ vua, cờ thỏ cáo và trò chơi xúc xắc có tên gọi Libro de los juegos. Cờ vua cũng đi theo đường bộ xuyên qua Siberia tới Alaska.
Cờ tướng là hình thức cờ vua nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Sự di cư về phía đông của cờ vua, đến Trung Quốc và Đông Nam Á, thậm chí có ít tài liệu hơn so với sự di cư của nó về phía tây, khiến việc này phần lớn được phỏng đoán. Từ "Tượng kỳ" (象棋) ở Trung Quốc được dùng để chỉ một trò chơi muộn nhất là từ năm 569 sau Công Nguyên, nhưng người ta vẫn chưa chứng minh được trò chơi này có liên quan trực tiếp đến cờ vua hay không.[18][19] Tài liệu tham khảo đầu tiên về cờ tướng xuất hiện trong một cuốn sách có tựa đề Huyền quái lục 玄怪錄 ("Kỷ lục về Bí ẩn và Kỳ lạ"), có niên đại khoảng năm 800. Ngoài ra, một số người cho rằng cờ vua sinh ra từ trò chơi tương tự của cờ Trung Quốc, hoặc ít nhất là từ tổ tiên của cờ tướng,[20] là môn đã tồn tại ở Trung Quốc kể từ thế kỷ 2 TCN, mặc dù điều này bị tranh cãi.[21] Joseph Needham và David Li là hai trong số nhiều học giả theo thuyết này. Cuối cùng, người Trung Quốc cho rằng cờ vua bắt nguồn từ cờ tướng Mãn Châu do nhà Thanh sáng lập. Tuy nhiên, Tượng kỳ dường như thể hiện một số đặc điểm nội tại giúp việc xây dựng một con đường tiến hóa từ Trung Quốc đến Ấn Độ/Ba Tư dễ dàng hơn so với hướng ngược lại.[22]
Quy tắc
Các quy tắc của cờ vua được FIDE (Fédération Internationale des Échecs) xuất bản trong cuốn Handbook và lần sửa đổi gần nhất là vào năm 2018. Các quy tắc được xuất bản bởi các cơ quan quản lý quốc gia, hoặc bởi các tổ chức cờ vua không liên kết, nhà xuất bản thương mại, v.v., có thể khác nhau ở một số chi tiết.